Các hiệu ứng liên quan Thiên_kiến_xác_nhận

Phân cực thái độ

Khi con người với những quan điểm trái ngược diễn giải những thông tin mới một cách thiên lệch, quan điểm của họ có thể càng dịch chuyển về hướng đó. Điều này gọi là sự "phân cực thái độ" (tiếng Anh: attitude polarization).[33] Hiệu ứng này được chứng minh trong một thí nghiệm liên quan tới việc rút những quả bóng đỏ và từ một trong hai giỏ được đậy kín. Những người tham gia biết rằng một giỏ chứa 60% bóng đen, 40% bóng đỏ; ngược lại giỏ kia có 40% bóng đỏ, 60% bóng đen. Nhóm làm thí nghiệm quan sát điều gì xảy ra khi các quả bóng có màu khác nhau lần lượt được rút ra theo một chuỗi đồng đều, không thiên về khả năng giỏ nào. Sau mỗi lần một quả bóng được rút, những người tham gia trong một nhóm được hỏi nói to về quyết định của họ rằng khả năng quả bóng được rút từ giỏ nhiều bóng đỏ hay giỏ nhiều bóng đen. Những người tham gia này có xu hướng trở nên ngày càng tự tin hơn với mỗi lần rút tiếp theo-bất kể ban đầu họ nghĩ giỏ đó là nhiều bóng đen hay nhiều bóng đỏ, ước lượng của họ về khả năng tăng lên. Một nhóm khác được yêu cầu chỉ khẳng định xác suất vào cuối chuỗi rút bóng đó, thay vì sau mỗi lần rút. Nhóm này không thể hiện hiệu ứng phân cực, cho thấy rằng nó không nhất thiết xảy ra khi người đơn giản chỉ giữ quan điểm đối lập nhau, mà có lẽ là khi họ công khai nêu quan điểm đó ra.[34]

Những quan điểm mạnh mẽ trên những vấn đề như việc sở hữu súng có thể gây thiên kiến trong cách con người diễn giải một bằng chứng mới.

Một nghiên cứu ít trừu tượng hơn là thí nghiệm diễn giải thiên lệch ở Stanford trong đó những người tham gia có quan điểm mạnh về án tử hình, đã mô tả ở mục trên. 23% số người tham gia cho thấy quan điểm của họ trở nên cực đoan hơn, và sự chuyển dịch này tương hợp mạnh với quan điểm ban đầu của họ.[17] Trong các thí nghiệm về sau, người ta cũng quan sát thấy những người tham gia trở nên cực đoan hơn khi xem xét các thông tin mơ hồ. Tuy nhiên, những so sánh về thái độ của họ trước và sau bằng chứng mới không có sự thay đổi lớn, gợi ý rằng việc thay đổi này có thể không thực sự tồn tại hoặc đáng kể.[20][33][35] Dựa trên những thí nghiệm này, Deanna Kuhn và Joseph Lao kết luận rằng phân cực là một hiện tượng có thực nhưng không phải là không thể tránh khỏi, chỉ xảy ra trong một thiểu số nhỏ. Họ thấy rằng hiện tượng này bị thúc đẩy không chỉ bởi xem xét những bằng chứng hỗn hợp, mà có thể là chỉ thuần túy nghĩ về chủ đề.[33]

Charles Taber và Milton Lodge lập luận rằng kết quả của nhóm Stanford khó mà có thể lặp lại được bởi vì những lập luận sử dụng trong những thí nghiệm sau quá trừu tượng hoặc khó hiểu để gây nên một phản ứng cảm xúc. Nghiên cứu của Taber và Lodge sử dụng những chủ đề gây ra nhiều cảm xúc (ở Hoa Kỳ) là việc kiểm soát súng và thái độ phân biệt trong tuyển dụng.[20] Họ đo lường thái độ của những thành viên tham gia nghiên cứu đối với những vấn đề này trước và sau khi đọc những lập luận của mỗi bên trong tranh luận. Hai nhóm đối tượng tham gia thể hiện phân cực thái độ: những người có quan điểm mạnh từ trước về vấn đề và những người không am hiểu nhiều về chính trị. Trong một phần của nghiên cứu này, các đối tượng tham gia chọn nguồn thông tin để đọc, từ một danh sách do các nhà nghiên cứu chuẩn bị. Chẳng hạn họ có thể đánh giá lập luận của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (Hoa Kỳ) và Liên minh Chống Súng ngắn Brady về việc kiểm soát súng. Ngay cả khi được hướng dẫn là phải vô tư, những người tham gia có xu hướng đọc các lập luận ủng hộ quan điểm có sẵn của họ hơn là những lập luận không ủng hộ. Việc tìm kiếm thông tin thiên lệch này rất tương hợp với hiệu ứng phân cực.[20]

Người ta cũng quan sát thấy "hiệu ứng phản tác dụng" (backfire effect) tức là hiện tượng khi đối diện với bằng chứng chống lại niềm tin của mình, con người có thể từ chối bằng chứng đó và tin tưởng vào thành kiến ban đầu còn mạnh mẽ hơn.[36][37] Thuật ngữ này do Brendan Nyhan và Jason Reifler đặt ra.[38]

Chấp giữ niềm tin sai lầm

"Nhiều niềm tin có thể sống sót qua những thách thức logic hoặc thực nghiệm mạnh mẽ. Chúng có thể sống sót và thậm chí là tăng cường bởi bằng chứng mà hầu hết những người không nhiệt tâm sẽ đồng ý về mặt logic rằng [bằng chứng đó] khiến cho những niềm tin ấy phải yếu đi. Chúng thậm chí có thể sống sót ngay cả khi những cơ sở bằng chứng ban đầu của chúng bị phá hủy hoàn toàn."

—Lee Ross và Craig Anderson[39]

Thiên kiến xác nhận cũng giúp giải thích tại sao một số người duy trì những niềm tin ngay cả khi bằng chứng ban đầu của chúng bị loại bỏ.[40] Hiệu ứng duy trì niềm tin này thể hiện trong một loạt các thí nghiệm sử dụng cái gọi là "hệ hình lật tẩy" ("debriefing paradigm"): những người tham gia đọc những bằng chứng giả ủng hộ một giả thuyết, người ta đánh giá sự thay đổi thái độ của họ rồi sau đó tiết lộ sự ngụy tạo đó một cách chi tiết. Cuối cùng người ta đo lường thái độ của họ một lần nữa để xem liệu niềm tin của họ có trở về mức ban đầu.[39]

Phát hiện chung của hệ hình này là ít nhất vài trong số niềm tin ban đầu vẫn tồn tại ngay cả khi sau khi lật tẩy hoàn toàn bằng chứng.[41] Trong một thí nghiệm, những người tham gia phải phân biệt giữa những lá thư tuyệt mệnh thật và giả. Phản hồi của nhóm làm thí nghiệm là ngẫu nhiên: nhóm nói với vài người tham gia rằng họ đã phân biệt tương đối chính xác, còn với những người khác họ nói rằng họ phân biệt sai. Ngay cả sau khi lật tẩy hoàn toàn (rằng thực ra tất cả là giả), những người tham gia vẫn chịu ảnh hưởng bởi phản hồi ban đầu. Họ vẫn nghĩ rằng họ tốt hơn hoặc tồi hơn mức trung bình trong loại công việc đó, phụ thuộc vào cách người ta đánh giá họ.[42]

Trong một nghiên cứu khác, những người tham gia đọc những bản đánh giá hiệu quả công việc của hai lính cứu hỏa, cùng với phản ứng của họ đối với một bài kiểm tra ác cảm rủi ro.[39] Dữ liệu hư cấu này được sắp xếp để thể hiện một sự tương hợp tích cực hoặc tiêu cực: một vài người được bảo rằng một lính cứu hỏa chấp nhận rủi ro sẽ làm việc tốt hơn, trong khi những người khác lại được bảo rằng người ấy sẽ làm việc kém hơn một đồng nghiệp sợ rủi ro.[43] Ngay cả nếu hai trường hợp cụ thể trên là đúng, thì chúng vẫn chỉ là bằng chứng tồi về mặt khoa học cho kết luận về lính cứu hỏa nói chung. Tuy nhiên, những người tham gia lại cảm thấy thuyết phục một cách chủ quan.[43] Khi nhóm nghiên cứu tiết lộ các trường hợp cụ thể đó chỉ là hư cấu, niềm tin của những người tham gia đó mất liên hệ với bằng chứng thực tiễn, nhưng khi đánh giá người ta thấy khoảng một nửa hiệu ứng ban đầu vẫn tồn tại.[39] Những cuộc phỏng vấn sau đó cho thấy rằng những người tham gia hiểu về việc lật tẩy và nghiêm túc xem xét nó. Họ có vẻ tin tưởng sự lật tẩy bằng chứng, nhưng xem thông tin sai lầm đó là không liên quan tới niềm tin cá nhân của họ.[43]

Ưu tiên thông tin ban đầu

Nhiều thí nghiệm đã chỉ ra rằng con người coi trọng thông tin xuất hiện sớm hơn trong một chuỗi thông tin, ngay cả khi về mặt logic thứ tự không quan trọng. Chẳng hạn, con người tạo nên một ấn tượng tích cực hơn về ai đó được mô tả là "thông minh, cần cù, bốc đồng, hay chỉ trích, ngang bướng, đố kị" hơn là cũng những từ này nhưng theo một trật tự ngược lại.[44] Hiệu ứng ưu tiên phi lý" ("irrational primacy effect") này độc lập với ký ức ưu tiên trong đó các sự vật sớm hơn trong một chuỗi các sự vật có dấu ấn ký ức mạnh hơn.[44] Sự diễn giải thiên lệch cung cấp lời giải thích cho hiệu ứng này: khi nhìn thấy bằng chứng ban đầu, người ta tạo nên một giả thuyết ảnh hưởng tới cách họ diễn dịch phần còn lại lại của chuỗi thông tin.[40]

Một thí nghiệm chứng minh sự ưu tiên phi lý sử dụng những miếng chip có màu khác nhau được cho là rút ra từ hai bình. Người ta nói với những người tham gia phân bố màu sắc của hai bình đó và họ phải ước đoán khả năng một chip cụ thể rút ra từ cái bình nào.[44] Trên thực tế, màu sắc xuất hiện theo một trật tự sắp xếp từ trước. Ba mươi lần rút đầu thiên về một bình, ba mươi lân rút sau thiên về bình kia.[40] Xét như một toàn thể thì màu sắc là trung lập, do đó theo logic thì hai bình phải nhiều khả năng như nhau. Tuy nhiên, sau sáu mươi lần rút, những người tham gia rõ rằng ưu tiên bình được gợi ý bởi ba mươi lần rút đầu.[44]

Một thí nghiệm khác chiếu slide hình ảnh về một vật thể duy nhất, ban đầu rất mờ và sau mỗi slide lại rõ hơn một chút.[44] Với mỗi slide những người tham gia phải đoán xem vật thể đó là gì. Những người tham gia mà ban đầu đoán sai vẫn duy trì niềm tin vào phán đoán của mình, ngay cả khi bức ảnh đã rơi vào tiêu cự đủ rõ để những người khác dễ dàng nhận ra nó là gì.[40]

Tương quan ảo tưởng giữa các sự kiện

Tương quan ảo tưởng là khuynh hướng ghi nhận những tương quan không tồn tại trong một tập hợp dữ liệu.[45] Khuynh hướng này được phát hiện ra trong một loạt những thí nghiệm cuối những năm 1960.[46] Trong một thí nghiệm, các đối tượng tham gia đọc một tập hợp những nghiên cứu về bệnh tâm thần, bao gồm những phản ứng với Phép thử dấu mực Rorschach (một phép thử tâm lý từng rất phổ biến để kiểm tra khuynh hướng tâm thần). Họ tường thuật rằng những người đàn ông đồng tính luyến ái trong tập hợp có vẻ nhìn thấy nhiều mông, hậu môn hoặc các hình ảnh mơ hồ liên quan tới tính dục hơn trong các vết mực. Thực ra các nghiên cứu này là hư cấu và, trong một phiên bản của thí nghiệm này, đã được thiết kế để cho những đàn ông đồng tính luyến ái ít tường thuật dạng hình ảnh này hơn mức trung bình.[45] Trong một cuộc khảo sát, một nhóm những nhà tâm phân học có kinh nghiệm cũng thể hiện là nhìn thấy cùng những loại tương quan ảo tưởng kiểu này với đồng tính luyến ái.[45][46]

Một nghiên cứu khác ghi lại những triệu chứng ở các bệnh nhân viên khớp, cùng với điều kiện thời kiện trong giai đoạn 15 tháng. Hầu như tất cả bệnh nhân đều tường thuật rằng cơn đau của họ liên hệ với điều kiện thời tiết, mặc dù liên hệ thực tế là bằng 0.[47]

Hiệu ứng này là một loại diễn giải thiên lệch, trong đó các bằng chứng về khách quan là trung lập hoặc không ủng hộ niềm tin của người xem xét bị diễn giải thành ủng hộ niềm tin đó. Nó cũng liên quan tới các thiên lệch trong hành vi kiểm tra giả thuyết.[48] Trong việc quyết định xem liệu hai sự kiện, chẳng hạn như đau ốm và thời tiết xấu, có tương quan với nhau, con người dựa dẫm nhiều vào số trường hợp "khẳng định-khẳng định": chẳng hạn, số trươngf hợp xảy ra cơn đau và thời tiết xấu cùng lúc. Họ tương đối ít quan tâm với những loại quan sát khác (như không đau và/hoặc thời tiết tốt).[49] Điều này song hành với sự phụ thuộc vào những phép thử khẳng định trong việc kiểm tra giả thuyết.[48] Nó cũng có thể phản ánh hồi tưởng chọn lọc, trong đó người ta có cảm giác rằng hai sự kiện liên quan tới nhau bởi vì hồi tưởng những thời điểm chúng xảy ra cùng nhau dễ dàng hơn.[48]

Ví dụ
NgàyMưaKhông mưa
Đau khớp146
Không đau khớp72

Trong ví dụ hư cấu ở trên, những triệu chứng đau khớp có vẻ xảy ra nhiều hơn vào những ngày không mưa. Tuy nhiên, người ta có xu hướng chú tâm vào số lượng tương đối lớn những ngày có cả mưa lẫn triệu chứng. Bằng việc tập trung vào một ô thay vì cả bốn ô trong bảng, người ta có thể nhận thức sai mối quan hệ, trong trường hợp này là tương quan giữa mưa và triệu chứng đau khớp.[50]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiên_kiến_xác_nhận http://hosted.xamai.ca/confbias/ http://www.amazon.com/Emerging-Perspectives-Judgme... http://www.amazon.com/Handbook-Social-Psychology-S... http://www.boston.com/bostonglobe/ideas/articles/2... http://books.google.com/books?id=0SYVAAAAYAAJ&pg=P... http://web.mac.com/kstanovich/Site/YUP_Reviews_fil... http://www.myfoxal.com/story/23395758/camm-trial-9... http://www.scientificamerican.com/article.cfm?id=t... http://skepdic.com/confirmbias.html http://www.skepdic.com/backfireeffect.html